Start planning your trip
"Bảo tàng Tanimura" - nơi chỉ trưng bày 10 bức tượng Phật đặc sắc
Tại đây chỉ có 10 bức tượng Phật được trưng bày. Bảo tàng được xây dựng chỉ để trưng bày các bức tượng này, mỗi gian phòng được thiết kế khác nhau cho từng tác phẩm. "Bảo tàng Tanimura" ở thành phố Itoigawa, tỉnh Niigata là bảo tàng lôi cuốn như 1 tác phẩm nghệ thuật.
Bảo tàng chỉ trưng bày 10 tác phẩm?
Itoigawa, tỉnh Niigata. Nơi đây có “bảo tàng Tanimura” là bảo tàng duy nhất trên thế giới, mê hoặc người xem, nằm ở 1 nơi có trời và biển trải rộng một màu xanh, cách Tokyo hơn 2 giờ shinkansen.
Tác phẩm trưng bày ở đây chỉ có 10 bức tượng Phật. Bảo tàng cũng không thay đổi trưng bày.
Lý do là bởi vì bảo tàng được xây dựng chỉ để trưng bày 10 bức tượng Phật.
Mỗi một phòng trưng bày đều được thiết kế theo từng chủ đề của tác phẩm để bức tượng được thể hiện đẹp nhất. Tác giả của bức tượng là nhà điêu khắc Sawada Seiko (1894 ~ 1988). Ông là một nghệ sĩ tài hoa không chỉ sáng tạo nên các bức tượng mà còn là một hoạ sĩ, nghệ nhân khắc tranh gỗ, thư pháp.
Kiến trúc sư thiết kế bảo tàng với bề ngoài kỳ lạ này là 1 kiến trúc sư tiêu biểu của Nhật, Murano Togo (1891 ~ 1984).
Bảo tàng này được thực hiện bởi ông Tanimura Shigeo, giám đốc “Công ty xây dựng Tanimura” của địa phương, người luôn say mê các tác phẩm điêu khắc của Sawada. Ông đã nhờ sự trợ giúp của ông Murano. Vào lúc đó, ông Murano đã 91 tuổi.
Ông Murano đã nghiên cứu từng tác phẩm Sawada, cân nhắc xem “tác phẩm này nên đặt vào căn phòng nào thì phù hợp”, để tạo nên không gian có 1 không 2 cùng với việc sử dụng ánh sáng tự nhiên. Từ khi tham gia vào dự án này cho đến khi ông mất 2 năm sau đó, ông dồn hết tâm huyết của mình vào thiết kế bảo tàng này, đến năm 1983 bảo tàng Tanimura đã được mở cửa.
Bề ngoài giống như di tích cổ đại
Khu vườn trước của bảo tàng được trải đầy cát lấy hình ảnh từ con đường tơ lụa, tạo ra ấn tượng giống như di tích cổ đại cao vút giữa sa mạc.
Bề ngoài của bảo tàng sẽ có màu xám đậm khi bị ướt bởi mưa. Vào mùa đông khi tuyết rơi, bảo tàng sẽ có 2 màu trắng và đen. Năm tháng trôi qua, công trình cũng biến đổi theo thời gian và càng làm tăng thêm vẻ ngoài cổ kính của nó. Tuỳ vào sự biến đổi của khí hậu, thời tiết, thời gian, vẻ bề ngoài của bảo tàng cũng thay đổi khác nhau. Khi chúng tôi viết bài này, bảo tàng phản chiếu sự tương phản cùng với bầu trời màu xanh,
Tiến vào hành lang nối dài thẳng tắp, các bạn sẽ đến cửa vào bảo tàng nơi có các bức tượng đang chờ đón.
Bên trong bảo tàng cũng giống như khu di tích hay hang động. Không gian bên trong đơn giản, được thống nhất bởi một màu trắng, trụ tròn to hay bức tường uốn lượn như con sóng tạo ra ấn tượng dễ chịu và mềm mại. Ánh sáng tự nhiên chiếu sáng nhẹ nhàng từ 1 số vị trí tạo nên không gian ấm áp.
Trong bài viết này tôi sẽ giới thiệu 7 tác phẩm trong số các tác phẩm trưng bày ở đây. Trước tiên chúng ta hãy cùng đi vào căn phòng bên trái ngay lối vào.
※: Chúng tôi đã xin phép và chụp ảnh để viết bài. Bình thường sẽ không được chụp ảnh bên trong bảo tàng cũng như các tác phẩm trưng bày.
1.“Kongo O Bosatsu” với ánh sáng tự nhiên chiếu xuống
Bức tượng hiện ra giữa ánh sáng tự nhiên được chiếu xuống từ trần nhà. Tên tác phẩm này là “Kongo O Bosatsu” (※1).
Người ta nói rằng Kongo O Bosatsu có khả năng thu hút mọi sức mạnh. Ánh sáng tự nhiên chiếu sáng vào 1 tác phẩm quả thực giống như mọi sức mạnh đều tập trung vào đây.
Cụm từ “Kongo” có nghĩa là kim cương. Bức tượng cứng như kim cương, không bị phá vỡ bởi mọi tác động bên ngoài, tượng trưng cho sự thông tuệ của Đức Phật (※2).
※1: Bosatsu……Người tu hành để giác ngộ chân lý.
※2: Hotoke……Người đã giác ngộ.
Trong bảo tàng Tanimura không có mũi tên hướng dẫn lộ trình thăm quan. Sau khi rời khỏi 1 gian phòng, các bạn sẽ nhìn thấy tác phẩm tiếp theo ở phía trước mặt. Các bạn hãy đi về hướng bức tượng đó để đến gian phòng tiếp theo.
2.“Amahiko” thu hút sự chú ý đến cả bóng ảnh phía sau
Đây là tác phẩm vẽ con người mà không phải là bức tượng Phật duy nhất trong bảo tàng này. Bức tượng này là “Amahiko Thiên sứ ôm đứa trẻ” (giữa bức ảnh).
Người mẹ đang ôm đứa trẻ đã mất do cuộc oanh tạc bằng máy bay trong chiến tranh. Bức tượng vẽ lên hồi tưởng đau thương của người mẹ “sau khi chết muốn được cùng đứa trẻ trở về thiên đường”.
Các bạn hãy chú ý cả vào bóng phản chiếu phía sau bức tượng nhé. Các bạn sẽ nhìn thấy bóng phản chiếu bên trái và bên phải bức tượng giống như người mẹ và đứa trẻ đang với tay nhau. Người ta nói rằng người mẹ và đứa trẻ nắm lấy tay nhau như muốn cùng nhau lên thiên đường.
Murano Togo đã thiết kế nên bảo tàng này không chỉ tính toán sao cho “ánh sáng như thế nào sẽ được phản chiếu?” mà còn tính toán đến cả cách ngắm nhìn bóng hình phía sau được tạo ra bởi ánh sáng, để tạo nên từng gian phòng riêng cho mỗi tác phẩm.
3.“Manjushage” lấp lánh vàng
Có một loài hoa có tên Higanbana (hoa bỉ ngạn). Loài hoa màu đỏ giống như đang giang rộng tay còn được gọi bằng cái tên khác là “Manjushage”, đây cũng là tên của loài hoa nở trên thiên đường trong thế giới của Phật giáo.
Bức tượng có cái tên “Manjushage” là bức tượng Phật Quan Âm nghìn tay (※3) với vô số cánh tay đang giang ra, giống như hoa bỉ ngạn đang nở tuyệt đẹp. Bức tượng này cũng tuỳ từng góc nhìn bóng phía sau mà có thể thấy những cánh tay như đang xếp lên nhau.
※3: Phật Quan Âm nghìn tay…… “Quan Âm” là vị Bồ Tát đã trở nên thân thiết và quen thuộc với người Nhật, thường được biết đến là “Kannon-sama”. Phật Quan m nghìn tay là Phật Quan Âm biến hoá với nghìn tay và mắt để giúp đỡ cho con người cũng như những loài động vật.
Sau khi ngắm tác phẩm này, các bạn hãy thử nhìn xuống dưới nền nhà nhé. Các bạn sẽ thấy hình ảnh bức tượng Quan Âm nghìn tay bằng vàng chiếu xuống nền nhà.
Dù bạn có tiến lên phía trước hay lùi lại phía sau, bạn cũng không dẫm vào được cái bóng của bức tượng này.
Sau đó, các bạn hãy thử nhìn lên trần nhà. Phía dưới cửa sổ trời trên trần nhà là thanh dầm rất to, ánh sáng được chia thành 2 luồng trái và phải khi chiếu xuống.
Màu sắc của ánh sáng có khác nhau ít nhiều, tuỳ từng ngày ví dụ như ngày nắng hay ngày mưa,...mà màu sắc ánh sáng, mức độ chiếu sáng sẽ khác nhau, do đó các bạn sẽ lại chiêm ngưỡng được những hình ảnh khác nhau.
4.“Komyo Busshin” được hoàn thành tỉ mỉ, tuyệt đẹp
Trong gian phòng ở sâu góc trong cùng là tác phẩm được chiếu sáng bởi ánh sáng rất thần thánh.
Nguyên mẫu của tác phẩm “Komyo Busshin” này là vợ của Thiên hoàng Shomu - hoàng hậu Komyo (701 ~ 706).
Bà là người rất tin theo Phật Giáo, bà đã cho xây dựng rất nhiều công trình phúc lợi để cứu trợ cho những người nghèo, người bệnh, trẻ mồ côi,...
Mặc dù bức tượng được tạc bằng gỗ nhưng lại có độ bóng và sự tinh xảo ở làn da giống hệt như được làm bằng sứ. Thần thái hiền hậu toát ra từ bức tượng thể hiện sự ấm áp như muốn cứu trợ và giúp đỡ cho những linh hồn yếu đuối.
5.“Miroku Bosatsu” cảm nhận được phong vị từ gỗ thô nhám
Đây là bức tượng mang đến cảm giác về sự góc cạnh, gồ ghề khác hoàn toàn với bức tượng “Komyo Busshin”. “Miroku Bosatsu” trong cái tên của tác phẩm này là vị Bồ Tát được quyết định là sẽ thành Phật. Người ta nói rằng bức tượng thể hiện hình ảnh trong tương lai xa, vị Bồ Tát này sẽ cứu giúp cho toàn bộ sinh vật sống.
Bức tượng này khác với các bức tượng khác ở phần vật liệu. Đây là bức tượng gỗ giống như bức tượng khác nhưng người ta đã sử dụng loại gỗ cứng từ cây tuyết tùng có tên là Taro Sugi của vùng Nikko, loại gỗ này thường không được sử dụng để khắc tượng. Nhưng nhờ đó mà bức tượng thể hiện được sự mộc mạc, có thể cảm nhận được sức mạnh và sinh lực.
Người ta nói rằng tuỳ từng góc nhìn mà hình ảnh thể hiện từ bức tượng sẽ thay đổi, nếu nhìn từ bên trái, khuôn mặt bức tượng nhìn sẽ hơi đầy đặn một chút, nhưng nếu nhìn từ bên phải, khuôn mặt bức tượng rất sắc nét. Khuôn mặt đó nhìn giống như đang suy nghĩ, suy tư về việc làm thế nào để cứu độ cho những sinh vật sống trong thế giới này.
6.Nếu nhìn bức tượng nhỏ từ phía dưới….
Chúng ta đã đến phòng cuối cùng. Trước mặt các bạn là 2 bức tượng nhỏ bên trái và phải. 2 bức tượng này không được đặt tên gì đặc biệt.
Bức tượng này khi nhìn từ phía trên thì khuôn mặt khá to và cũng mất sự cân đối.
Tuy nhiên, các bạn hãy thử ngước nhìn lên từ phía dưới, các bạn có thể thấy sự cân đối một cách đáng ngạc nhiên. Ở đây cũng có ghi lời nhắn của nhà điêu khắc rằng “Bức tượng này không nhìn từ trên xuống dưới mà để nhìn ngước lên trên”.
7.Đức Phật “Shokannon” từ bi
Ở góc trong cùng của 2 bức tượng nhỏ trên là bức tượng “Shokannon”. Đây là bức tượng cuối cùng mà tôi sẽ giới thiệu trong bài viết này. Shokannon là vị Bồ Tát rất quen thuộc với người Nhật và được biết đến là “Kannon-sama”, tượng trưng cho tinh thần Từ Bi (※4) trong Phật giáo.
Bức tượng cao hơn 3m, đứng nghiêm trang giống như bao bọc, che chở cho du khách bằng tâm hồn từ bi. Người ta nói rằng cánh tay phải như đang hút mọi thứ, cánh tay trái che chở cho mọi thứ.
Chuyến du hành quanh các bức tượng tại bảo tàng kết thúc tại đây. Sau khi rời gian phòng cuối cùng, các bạn hãy thử quay nhìn lại hành lang mà mình đã đi qua nhé.
※4: Từ bi:……Lòng trắc ẩn, lòng nhân từ của Đức Phật, Bồ Tát với các sinh vật sống.
Ở đó, các bạn sẽ không nhìn thấy bất kỳ 1 bức tượng nào.
“Cho dù các bạn có nhìn lại con đường đã đi qua cũng sẽ không thấy gì. Vì vậy hãy tiến về phía trước để bước tiếp”. Đó cũng chính là lời nhắn gửi giống như nhân sinh vậy.
Sau khi thăm quan các bức tượng, hãy đến khu vườn Nhật
Nằm tiếp giáp với bảo tàng Tanimura là khu vườn Nhật Bản có tên “Gyokusuien”.
Đây là không gian rất yên tĩnh, an bình với con suối chảy lượn lờ giữa hàng cây xanh. Dãy núi nằm ở phía sau cũng trở thành 1 phần của khu vườn.
Các bạn có thể ngắm nhìn khu vườn giống như 1 bức hoạ với khung cửa sổ lớn giống như khung tranh vậy.
Ở đây cũng có cả quán trà, các bạn có thể vừa thưởng trà, vừa thong thả ngắm khu vườn. Matcha kèm cả bánh ngọt truyền thống của địa phương có giá 500 Yên (cả thuế).
Cách đi
Ga Itoigawa
Ga gần nhất để đến bảo tàng Tanimura là ga Itoigawa. Từ Tokyo đến ga Itoigawa bằng shinkansen hết khoảng 2 giờ 5 ~ 15 phút (giá vé chỉ định chỗ ngồi 11,000 Yên). Từ Kanazawa đi hết khoảng 50 phút (giá vé chỉ định chỗ ngồi 5,380 Yên).
Cách đi từ ga Itoigawa đến bảo tàng Tanimura
Từ ga Itoigawa đến bảo tàng Tanimura có 1 số cách đi. Nếu đi bộ thì hết khoảng 25 phút.
Nếu đi bằng taxi, từ cửa Alps ga Itoigawa hết khoảng 7 phút, giá 1,000 Yên. Nếu đi bằng xe buýt thì từ điểm lên xe buýt ở cửa Alps ga Itoigawa, các bạn sẽ lên xe buýt và xuống tại “Rendaiji Iriguchi”. Hết khoảng 4 phút, 100 ~ 170 Yên. Các bạn hãy lưu ý vì số lượng xe buýt khá ít.
Các bạn cũng có thể thuê xe đạp tại ga Itoigawa. Giá thuê trong 3 giờ là 500 Yên, 1 ngày là 1,000 Yên. Có 3 địa chỉ chuyên cho thuê xe đạp ở đây, ví dụ như “trung tâm hướng dẫn du lịch tổng hợp cửa Alps”, cả 3 nơi đều đồng giá.
Khu vực ga Itoigawa còn có rất nhiều địa điểm vui chơi ví dụ như bờ biển Hisui có thể tìm kiếm đá quý tự nhiên Hisui, quán sushi với hải sản tươi ngon được đánh bắt ở vùng biển ngay phía trước. Các bạn có thể thuê xe đạp để vòng quanh các địa điểm du lịch khác nữa.
Tổng kết
Bảo tàng Tanimura là bảo tàng nhỏ có thể dạo quanh trong vòng 1 giờ. Nhưng riêng không gian bảo tàng được tính toán tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ này cũng có thể gọi là 1 tác phẩm nghệ thuật. Đây là bảo tàng rất đáng để bạn phải bỏ công đến Itoigawa.
Các bạn hãy thử đến bảo tàng Tanimura duy nhất trên thế giới này nhé.
Bài viết liên quan
In cooperation with Bảo tàng Tanimura, tỉnh Niigata
MATCHA Editer.