【3 phút từ sân bay quốc tế Chubu】Hãy đến trung tâm mua sắm "Aeon Mall Tokoname" trải nghiệm suối nước nóng và đua xe!

Sự lôi cuốn của nghệ thuật múa rối "Bunraku" đỉnh cao của thế giới

Dịch vụ này bao gồm quảng cáo được tài trợ.
article thumbnail image

"Bunraku" được biết đến là môn nghệ thuật truyền thống của Nhật cùng với Kabuki, No. Đây là nghệ thuật múa rối có lịch sử hơn 300 năm, đặc trưng bởi câu chuyện được mài dũa và kỹ thuật cao khi điều khiển con rối như con người thật. Hãy tìm hiểu về sự lôi cuốn này cùng với 3 nghệ sĩ kịch Bunraku nhé...

Ngày Cập Nhật Cuối :

Bunraku là gì?

文楽

Buổi biểu diễn “Nippon Bunraku” tại Meiji Jingu Mae ở Harajuku vào tháng 3/2019

Các bạn có biết Bunraku không?

Bunraku là kịch múa rối đã được đăng ký di sản văn hoá vô hình của UNESCO. Đây là loại hình nghệ thuật truyền thống của Nhật được phát triển tại Osaka vào khoảng thế kỷ thứ 18 vào thời kỳ Edo và được kế thừa cho đến ngày nay.

Khi nghe đến kịch múa rối, chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ nội dung dành cho trẻ em nhưng các tiết mục biểu diễn trong Bunraku lại phần lớn là dành cho người lớn. Các vở kịch thường có chủ đề như các câu chuyện về những người anh hùng thời cổ đại, tình yêu nam nữ thời kỳ Edo và cả những vụ tự sát vì tình (tự sát của những cặp đôi yêu nhau),...

Cùng với Kabuki, No, thì Bunraku cũng được xem là môn nghệ thuật truyền thống của Nhật. Tuy nhiên, số lượng khách xem kịch Bunraku trên thực tế lại không nhiều đến như vậy. Chính vì vậy, trong bài viết này, tôi đã có cuộc trò chuyện cùng với 3 nghệ sỹ nổi bật thuộc top đầu về Bunraku. Những người hướng dẫn đỉnh cao nhất này sẽ dẫn chúng ta đến với thế giới của Bunraku từ những kiến thức cơ bản đến cách thưởng thức Bunraku!

Trong Bunraku có 3 vai diễn

Sân khấu kịch Bunraku được hình thành từ 3 phần. Đó là “Ningyotsukai” là người điều khiển con rối, “Shamisen” là người chơi nhạc cụ shamisen và “Tayu” là người dẫn dắt câu chuyện.

……Dù vậy, có thể các bạn sẽ khó hình dung ra được, vì vậy trước tiên các bạn hãy thử xem đoạn video dưới đây. Tuy bằng tiếng Nhật nhưng các bạn có thể nắm qua hình ảnh khái quát về Bunraku.

Ningyotsukai, Shamisen, Tayu. Mỗi một vai diễn đều hoàn hảo, những người mới bắt đầu bước vào thế giới của Bunraku sẽ chọn xem mình muốn đảm nhận vai nào. Sau đó họ sẽ mài dũa, rèn luyện cho riêng vai đó suốt đời.

Trong bài viết này, tôi đã có cuộc trò chuyện cùng với cả 3 nghệ sỹ ở 3 vai diễn này. Người đầu tiên là ông Yoshida Kanya, điều khiển con rối.

“Nghệ thuật của múa rối là sự kết hợp”
Người điểu khiển con rối: ông Yoshida Kanya

文楽

Ông Yoshida Kanya là người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm kể từ khi nhận vai người điều khiển con rối trong Bunraku. Trong đó, ông cũng phụ trách cả phần Omozukai.

Con rối trong Bunraku không phải được điều khiển bởi 1 người mà là 3 người. Đó là “Ashizukai” phụ trách điều khiển chân của con rối, “Hidarizukai” điều khiển tay trái, và “Omozukai” điều khiến phần cổ và tay phải của con rối. Sự kết hợp của 3 người này sẽ thay đổi tuỳ theo từng sân khấu.

3 người họ sẽ điều khiển con rối như thế nào?

文楽

Những người xem Bunraku lần đầu tiên hẳn sẽ ngạc nhiên vì con rối có thể chuyển động y hệt sự chuyển động của con người. 3 người cùng điều khiển 1 con rối thì làm sao có thể điều khiển chúng chuyển động được mượt mà? Bí quyết nằm ở chỗ dấu hiệu, chỉ thị còn được gọi là “Zu” do Omozukai phát ra cho 2 người còn lại.

“Công việc của Omozukai không chỉ là điều khiển cổ và tay phải của con rối. Họ còn phát tín hiệu, chỉ thị về cách chuyển động của cả con rối cho 2 người kia qua nhiều cách khác nhau”.

Thông thường, trên sân khấu, họ sẽ phát ra tín hiệu “Zu” không phải bằng cách truyền đạt ngôn ngữ ví dụ như “hãy làm như thế này” mà sẽ qua chuyển động phần cổ của con rối hoặc chuyển động của cả con rối, hoặc di chuyển trọng lượng cơ thể của Omozukai,...

Sau khi nhận được tín hiệu Zu không phải bằng lời từ Omozukai, người điều khiển bên trái và người điều khiển chân con rối sẽ di chuyển con rối. Sự chuyển động của cả 3 người thành 1 khối thống nhất, tạo ra chuyển động của con rối tinh tế và như thật.

文楽

Phần cổ được gọi là “gabu”. Khuôn mặt của thiếu nữ xinh xắn bỗng chốc biến thành khuôn mặt đáng sợ!

文楽

Sự biến đổi biểu cảm trên khuôn mặt được thao tác chỉ bằng ngón tay cái.

Chỉ luyện tập 1 lần trước buổi biểu diễn chính thức

Múa rối có thể nói là loại hình nghệ thuật với sự kết hợp của cả 3 người nhưng một điều sẽ khiến các bạn thấy ngạc nhiên là thông thường cả 3 người không luyện tập thường xuyên cùng nhau.

“Thông thường thì mỗi người sẽ tự luyện tập một mình. Việc luyện tập cùng con rối có sự kết hợp của cả 3 người chỉ 1 lần trước buổi biểu diễn chính thức”.

Mặc dù không thường xuyên tập luyện cùng nhau nhưng để có thể đảm nhận được vai trò Omozukai như ông Kanya sẽ cần thời gian luyện tập vô cùng nhiều. Mỗi người sẽ mất thời gian khác nhau nhưng thông thường trong loại hình nghệ thuật múa rối, để trở thành người giữ vai trò Ashizukai cũng mất khoảng 10 năm, tiếp đó Hidarizukai cần 15 năm, sau đó mới trở thành Omozukai.

Họ sẽ trải qua rất nhiều lần đứng trên sân khấu, lắng nghe dấu hiệu “Zu” từ Omozukai, kết hợp cùng với kỹ thuật của mình để ngấm từng chuyển động của con rối vào cơ thể. Mỗi phần cơ bản ví dụ như Ashizukai hay Hidarizukai đều được luyện tập nhiều lần trên sân khấu qua khoảng thời gian dài, vì vậy 3 người không cần phải thường xuyên luyện tập cùng nhau mỗi ngày.

Nghệ thuật được xây dựng nên cùng sự kết hợp với đối phương

文楽

Ông Kanya với gabu trên tay

Bản thân ông Kanya đã mất đến 30 năm để đảm nhận vai trò Omozukai. Ngày xưa ông đã theo học người thầy của ông, ông cũng đã từng đảm nhận vai trò Ashizukai.

“Người thầy đầu tiên của tôi là nghệ nhân Kiritake Kanjuro - báu vật quốc gia về con người thứ 2 của Nhật. Việc điều khiển “chân” con rối của ông thật sự rất thú vị. Về cơ bản vẫn theo chuyển động của Omozukai nhưng ông Kanjuro lại tạo ra một sự tự do nhất định “giao phó cho người điều khiển ashizukai và hidarizukai”. Cả 3 người cùng xây dựng nên 1 nhân vật.

Để tạo ra được sự thống nhất đó thì rất cần sự kết hợp của cả 3 người. Nhờ có đối phương tạo ra kỹ thuật của mình. Chính vì vậy, điểm mấu chốt ở đây là "làm thế nào để hiểu được và kết hợp tốt với đối phương”.

Khi xem Bunraku lần đầu tiên, các bạn sẽ bị cuốn hút bởi sự chuyển động như thật và rất tinh tế đó. Đó là sự luyện tập qua mấy chục năm cùng với sự kết hợp của cả 3 người tạo thành 1 thể thống nhất.

“Chúng tôi kể những câu chuyện, không phải là biểu diễn âm nhạc”
Người chơi đàn Shamisen: Tsurusawa Tomonosuke

Khi xem Bunraku, các bạn sẽ chú ý đến âm thanh của nhạc cụ khá to phát ra. Các bạn hãy nhìn sang bên phải sân khấu, các bạn sẽ thấy người chơi nhạc cụ shamisen.

Khi nghe shamisen trong Bunraku lần đầu tiên, chắc hẳn sẽ có người nghĩ rằng “nhạc đệm sẽ làm cho câu chuyện thêm sôi nổi hơn”. Nhưng shamisen trong Bunraku hoàn toàn khác với nhạc đệm thông thường. Vậy cụ thể như thế nào?

Tôi đã có cuộc trò chuyện cùng với ông “Tsurusawa Tomonosuke”, người chơi đàn shamisen trong Bunraku.

文楽

Ông Tomonosuke đã có 17 năm chơi đàn shamisen trong Bunraku. Có thể nói ông vẫn còn khá trẻ trong thế giới của Bunraku. Nhưng ông lại có bề dày kinh nghiệm khá đặc sắc.

“Tôi sinh ra trong 1 gia đình có truyền thống về hoạt động âm nhạc, bố tôi là nghệ sĩ jazz piano, mẹ là nghệ sĩ đàn violin, tôi đã học contrabass để trở thành người chơi bass chuyên nghiệp”.

Từ khi còn nhỏ, ông đã theo học nhạc. Ông hoàn toàn không có mối liên quan nào với nghệ thuật truyền thống nhưng vào khoảng năm lớp 11, ông chợt nghe thấy âm thanh của nhạc cụ mà ông chưa từng nghe bao giờ. Đó là lúc “trên tivi có trình chiếu đoạn nhạc với âm thấp và rất hay. Tôi tò mò không biết đó là gì và xem thử thì đó chính là shamisen trong Bunraku”.

Ông đã bước vào thế giới này từ âm thanh của tiếng đàn shamisen như vậy. Tuy nhiên, ông đã nói rằng âm nhạc phương Tây mà ông đã từng học cho đến nay và âm nhạc của shamisen trong Bunraku là hoàn toàn khác nhau, vì vậy đã khiến cho ông thấy lúng túng.

Thể hiện nỗi buồn chỉ qua 1 âm sắc

文楽

Có rất nhiều loại đàn shamisen nhưng trong Bunraku thường dùng shamisen có âm lớn, dày nặng còn được gọi là Futozao Shamisen”

“Cho đến khi tôi biết đến Bunraku thì tôi thường thể hiện cảm xúc của mình qua giai điệu. Nhưng trong Bunraku có lúc tôi thể hiện nỗi buồn chỉ bằng 1 âm sắc”.

Ông đã mất 10 năm cho đến khi làm quen được với sự khác nhau giữa âm nhạc phương Tây và shamisen trong Bunraku. Đây là nỗi khổ của ông khi ban đầu muốn hướng tới người chơi bass chuyên nghiệp.

Có thể thể hiện từ tâm trạng của nhân vật đến thời tiết

文楽

Ông cho biết shamisen nhìn thì có vẻ như khác hoàn toàn với âm nhạc phương Tây nhưng thật ra nó cũng có điểm chung.

“Tuỳ từng vở diễn mà nhạc điệu của shamisen khác nhau. Nhưng cũng tuỳ từng người chơi mà cách nghe cũng hoàn toàn khác nhau. Cũng giống như bản “Symphony số 9” của Beethoven, bạn sẽ nghe hoàn toàn khác tuỳ vào người nhạc trưởng, thì shamisen cũng hoàn toàn thay đổi tuỳ theo cách dẫn dắt, cách thể hiện câu chuyện của người chơi”.

Shamisen sẽ làm cho thế giới câu chuyện trở nên phong phú hơn, mang đến cho câu chuyện bề sâu và độ rộng tuỳ vào người chơi. Người chơi shamisen trên sân khấu về cơ bản chỉ có 1 người. Nhưng 1 người đó có thể thể hiện rất nhiều nhân vật khác nhau xuất hiện trong câu chuyện từ trẻ em, đến những cô gái trẻ, võ sĩ, người già,...

Ngoài ra, chỉ bằng 1 chiếc đàn shamisen cũng có thể thể hiện được tất cả sự việc từ thời tiết như bầu trời trong xanh hay mưa bão với tiếng sấm chớp đến hình ảnh những con bướm đang bay lượn.

“Không phải cứ chơi đàn thật hay là được. Nhạc cụ này cần người chơi phải chú trọng đến sự biến hoá âm sắc, nhịp điệu để vẽ nên quang cảnh của câu chuyện, thể hiện cảm xúc hỉ nộ ai lạc của người già và người trẻ, của nam và nữ như thế nào”.

Lý do mà shamisen trong Bunraku không phải là nhạc đệm chính là ở đây.

“Sự lôi cuốn của người dẫn truyện vượt qua cả lời nói”
Người dẫn truyện: Toyotake Sakijudayu

文楽

Ông Sakijudayu. Phía sau ông là “yuka”, chỗ ngồi của người dẫn truyện

Nhân vật cuối cùng là ông Toyotake Sakijudayu khá nổi tiếng trong số những người trẻ. Ông đảm nhận vai trò tayu (người dẫn truyện).

Người dẫn truyện sẽ phụ trách mạch phát triển của câu chuyện thông qua “kể chuyện”. Vở diễn được biểu diễn trong Bunraku sẽ có kịch bản và người dẫn truyện sẽ kể chuyện theo kịch bản đó. Tuy nhiên đó không phải là cách đọc truyện đơn giản mà là cách kể chuyện bằng kỹ thuật đặc biệt có tên “Gidayubushi”. Với những người lần đầu tiên nghe giọng đọc của người dẫn truyện chắc hẳn sẽ ngạc nhiên “không biết giọng nói này phát ra từ đâu nhỉ?”.

Chất giọng khàn khàn, như có nhạc điệu vẽ nên tâm trạng phong phú của các nhân vật xuất hiện trong vở diễn, thổi hồn vào câu chuyện Bunraku.

Không được hoá thân thành nhân vật

文楽

Kịch bản trong Bunraku được gọi là “Yukahon”. Được viết bằng kiểu chữ đặc thù

Người dẫn truyện cũng giống như người chơi shamisen về cơ bản chỉ có 1 người trên sân khấu. Chỉ với 1 người nhưng có thể dẫn theo nhiều nhân vật ở độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau.

“Trong Bunraku, có nhiều nội dung thật, nhiều tiết mục được triển khai rất kịch tính, sôi nổi. Tất cả chỉ qua cách dẫn truyện của 1 người tạo nên sự lôi cuốn. Cho dù các bạn không hiểu ngôn ngữ đi chăng nữa nhưng có thể hiểu rõ hình ảnh các nhân vật khi cắn răng chịu đựng và khóc hoặc khi phấn khích,..sức mạnh đó được chuyển tải vượt qua cả ngôn ngữ”.

Ông Sakijudayu nói rằng dù chỉ có 1 người kể chuyện trong vai của các nhân vật khác nhau nhưng nó khác với việc “hoá thân thành nhân vật”. “Trước đây từng có người dẫn truyện quá nhập tâm vào nhân vật, họ đã khóc, đã tức giận cùng nhân vật. Chính vì vậy, nó khác việc thể hiện nhân vật bằng cách kể chuyện thong thả, chuyển đổi âm sắc đơn thuần”.

Như vậy sẽ kể chuyện như thế nào? “Trong thế giới của chúng tôi có cách nói là “kể chuyện bằng hơi thở”. Chúng tôi sẽ thể hiện các nhân vật bằng cách sử dụng hơi thở”.

Kể chuyện bằng hơi thở...Thật khó để có thể hiểu ngay được. Nhưng nếu các bạn xem Bunraku, các bạn sẽ thấy cho dù con rối và người dẫn truyện ở 2 vị trí khác nhau nhưng các bạn sẽ cảm nhận được giống hệt như bản thân con rối đó đang trò chuyện. Mỗi con rối lại được thổi hồn vào đó, làm cho biểu hiện tình cảm phong phú, đó chính là “kể chuyện bằng hơi thở” của người dẫn truyện.

Bunraku là sự phân tán của pháo hoa nghệ thuật

文楽

Ông Sakijudayu dẫn truyện trong 1 vở diễn Bunraku

Ông Sakijudayu cho biết ông chưa từng chạm vào shamisen hay con rối. Có thể có người sẽ nghĩ điều này sẽ giúp họ hiểu được tâm trạng của đối phương và làm cho vở diễn được tốt hơn...

Tuy nhiên, ông đã nói rằng “không cần biết cũng không sao cả. Ngược lại nếu biết thì sẽ không được”. “Ví dụ như nếu tôi có thể chơi shamisen, khi nghe âm thanh của shamisen tôi có thể bị cuốn theo khi dẫn truyện. Nếu câu chuyện của người dẫn truyện và shamisen khớp với nhau thì shamisen sẽ trở thành nhạc đệm”.

文楽

Buổi biểu diễn “Nippon Bunraku” tháng 3/2018. Trong buổi biểu diễn này có rất nhiều người dẫn truyện, người chơi shamisen

Trên sân khấu có người điều khiển con rối, người dẫn truyện và người chơi shamisen nhưng họ hoàn toàn không giao lưu về ánh mắt, hay hoà cùng hơi thở với nhau. Tất cả họ đều nhìn về các hướng khác nhau, làm những việc khác nhau. Nhưng qua đó lại tạo nên Bunraku.

“Mỗi người đảm nhận các vai trò riêng, kết hợp tuỳ ý. Đó chính là Bunraku. Nếu họ ăn khớp nhau sẽ tạo nên trò chơi. Điều đó là không được. Bunraku là sự phân tán của pháo hoa nghệ thuật”.

Người điều khiển con rối, người chơi shamisen, người dẫn truyện. Cả 3 người đều đảm nhận các vai trò hoàn toàn khác nhau, nhưng trước khán giả sẽ tạo nên 1 câu chuyện làm lay động tâm hồn. Đó chính là điều kì lạ trong Bunraku, cũng là điều thú vị.

Sự lôi cuốn của Bunraku nằm ở đâu?

Bạn tôi có 1 số người rất thích Bunraku. Họ đi khắp nơi ở Tokyo, Osaka mỗi khi có vở diễn. Tại sao Bunraku lại làm người ta say mê như thế?.

Khi tôi hỏi ông Yoshida Kanya, ông đã nói rằng “đó chính là vì những con rối, không phải vậy sao?”.

“Ví dụ như trong kịch Kabuki, các bạn sẽ chú ý đến các diễn viên xinh đẹp, lôi cuốn. Nhưng trong Bunraku thì trước mặt các bạn là những con rối. Các bạn sẽ bị lôi cuốn vào câu chuyện hơn, những con rối sẽ dẫn các bạn vào một thế giới khác. Khi lần đầu tiên tôi xem Bunraku, tôi có cảm giác như thời gian đã quay trở về thời kỳ Edo. Các bạn cũng sẽ bị mê hoặc bởi vẻ duyên dáng, xuất sắc của những con rối”.

Chính vì những con rối mà những người biểu diễn trên sân khấu phải luôn rèn luyện, mài dũa kỹ năng của họ qua năm tháng, thu hút khán giả bằng hoạt động nghệ thuật trau chuốt không ngừng nghỉ. Môn nghệ thuật truyền thống có lịch sử đến hơn 300 năm này nhờ có nội lực mạnh mẽ, nội dung thú vị, sự lôi cuốn lay động lòng người.

Các bạn hãy thử đến nhà hát kịch để tìm hiểu thêm về thế giới Bunraku mà càng biết nhiều lại càng thấy lôi cuốn này nhé.

Thông tin về nhà hát

文楽

Picture courtesy of Nhà hát kịch Bunraku quốc gia

Có 2 nhà hát kịch thường biểu diễn định kỳ là “nhà hát kịch Bunraku quốc gia” ở Osaka và “nhà hát kịch quốc gia” ở Tokyo.

Tại Nhà hát kịch Bunraku quốc gia ở Osaka - nơi ra đời của Bunraku - thường định kỳ biểu diễn Bunraku.

Tại nhà hát kịch Bunraku quốc gia có vé bán theo ngày makumiseki, nếu bạn lần đầu tiên đến đây thì có thể mua loại vé này. Các bạn nên tìm hiểu trước về vở diễn và mượn tai nghe (tiếng Nhật, tiếng Anh).

Tại nhà hát kịch quốc gia Tokyo (nhà hát kịch bé) 1 năm có vài lần biểu diễn Bunraku.

Nhà hát kịch Bunraku quốc gia:
https://www.ntj.jac.go.jp/bunraku.html

Nhà hát kịch quốc gia:
https://www.ntj.jac.go.jp/kokuritsu.html

Trang web đặt vé cho nhà hát kịch Bunraku quốc gia và nhà hát kịch tại đây (tiếng Anh).
https://ticket.ntj.jac.go.jp/top_e.htm

Các sự kiện Bunraku khác

Ngoài ra còn có các sự kiện về Bunraku không định kỳ. “Nippon Bunraku” được tổ chức bởi Quỹ Nhật Bản cũng thường tổ chức các buổi biểu diễn ngoài trời hàng năm.

Trong các buổi biểu diễn tại nhà hát kịch, về cơ bản không được ăn uống nhưng Nippon Bunraku thì có thể vừa uống rượu, vừa ăn vừa thưởng thức kịch. Đây là buổi biểu diễn giúp khán giả có thể cảm nhận xuất phát điểm của Bunraku là môn giải trí của thường dân vào thời kỳ Edo. Buổi biểu diễn năm 2019 đã kết thúc, các bạn có thể chờ lịch biểu diễn của năm 2020.

Nếu đến Nhật, các bạn hãy thử tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống Bunraku của Nhật nhé!


In cooperation with Yoshida Kanya, Tsurusawa Tomonosuke, Toyotake Sakijudayu, Nippon Bunraku, NPO Bunrakuza

Written by

MATCHA Editer.

Thông tin trong bài viết này được thu thập và biên soạn tại thời điểm viết bài. Các thông tin về nội dung hay mức giá của sản phẩm, dịch vụ có thể thay đổi sau khi bài viết được đăng tải. Vì vậy các bạn hãy lưu ý xác nhận lại trước khi đi. Ngoài ra, trong một số bài viết có thể sẽ có đường dẫn liên kết affiliate link. Các bạn hãy cân nhắc cẩn thận khi mua hoặc đặt sản phẩm.

Xếp hạng

There are no articles in this section.