Ngon tuyệt đỉnh! "Hải sản Jouban" - thương hiệu đầy tự hào của Fukushima!
Thành phố Soma ở phía Bắc Hamadori, tỉnh Fukushima. Ở đây có cảng cá với sản lượng đánh bắt phong phú còn được biết đến là "hải sản của Jouban". Bí mật mang đến độ ngon cho cá và hải sản ở Fukushima và các công đoạn khi đến tay người tiêu dùng là gì?
“Hải sản Fukushima” - hương vị thơm ngon, cá có độ bóng và dày thịt
Bạn có thể ăn cá ngon đến no căng bụng. Thành viên ban biên tập của MATCHA đã đến Fukushima khi nghe câu chuyện đó.
Đây là cảng cá Matsukawaura (khu vực Haragama) nằm ở thành phố Soma, phía Bắc Hamadori thuộc tỉnh Fukushima.
Vùng biển ở khu vực này có sự va chạm của dòng hải lưu đen và dòng biển lạnh (※1), vì vậy đây là ngư trường tốt với vô số loại sinh vật phù du là thức ăn của các loại cá và hải sản.
Các loại cá và hải sản đánh bắt ở đây như cá anko, cá bơn, cá lưỡi trâu, cá mũi giáo, bạch tuộc, nhím biển, cua tuyết,...đạt đến hơn 150 loại mỗi năm.
Cá có độ bóng, dày thịt. Độ tươi và chất lượng cao của hải sản còn được biết đến là “sản vật của vùng Jouban” trên cả nước.
※1: Dòng hải lưu đen và dòng biển lạnh……Dòng hải lưu đen là dòng nước ấm tiêu biểu của Nhật Bản chảy từ phía Nam của quần đảo Nhật bản về phía Thái Bình Dương. Dòng biển lạnh là dòng nước lạnh chảy từ phía Bắc của quần đảo Nhật Bản về phía Thái Bình Dương, khi tiếp xúc với dòng hải lưu đen sẽ trở thành 1 ngư trường tốt cho các loài cá và hải sản.
“Cơm suất với nghêu biển và cá nướng” tại Asahitei (giá chưa có thuế 1,574 Yên)
Khi đến nhà hàng cạnh cảng cá Asahitei, các bạn sẽ bắt gặp các món ăn sử dụng rất nhiều nguyên liệu từ biển Soma.
Cá bơn nướng (phía trên, bên trái) cùng với ngao biển trong món súp ngao (bên phải, phía dưới) đều được đánh bắt tại Soma. Cá bơn dày thịt được nướng vàng, gia giảm thêm gia vị muối rất vừa miệng.
Ngao cũng lớn hơn so với ngao thông thường. “Cơm nghêu biển” ở bên trái, phía dưới là cơm được trộn với nước sốt được làm từ nước dùng nghêu biển được gọi là hokkigai. Đây cũng là món ăn nổi tiếng của Soma.
Các bạn càng ăn sẽ càng cảm nhận được hương thơm và sự ưu đãi từ biển lan toả trong miệng.
Nghề cá ở Fukushima
Vậy cá ở Fukushima được đánh bắt như thế nào? Trải qua những công đoạn nào để chuyển đến người tiêu dùng?
Trăm nghe không bằng một thấy! Tôi đã đến gặp những người làm nghề cá ở Soma.
Đánh cá lúc nửa đêm
1:30 sáng. Xe cứ liên tục tập kết tại cảng cá từ lúc nửa đêm.
Tất cả đèn trên tàu cá đều được bật sáng.
Hạ tuần tháng 12, nhiệt độ khoảng 1 độ C. Gió thổi, trong cái rét đến cóng cả tay thì những người ngư dân vẫn chuyển động không ngừng. Đó là sự bắt đầu 1 ngày của công việc đánh bắt cá.
Không có những câu chuyện riêng hay lời thì thầm nào thừa thãi. Đây là khoảng thời gian chứa đầy sự kỳ vọng cùng với sự căng thẳng trước khi xuất cảng.
Hiện nay, người ta đang tiến hành thao tác thử nghiệm đánh bắt cá ven biển ở tỉnh Fukushima mà trước tiên phải kể đến là cảng cá Matsukawaura (khu vực Haragama).
Ngay sau sự cố xảy ra tại nhà máy phát điện nguyên tử số 1 ở Fukushima do trận động đất mạnh ở khu vực phía Đông Bắc của Nhật Bản vào năm 2011, người ta đã tiến hành kiểm tra vật chất có tính phóng xạ ở 1 số loại cá và hải sản ngoài khơi tỉnh Fukushima. Theo kết quả kiểm tra đo lường vật chất có tính phóng xạ của tỉnh Fukushima, ở 1 số loại cá và hải sản đã được xác định tính an toàn, người ta đang tiến hành thử nghiệm để thu thập thông tin cơ bản nhằm phát triển lại nghề cá ở tỉnh Fukushima.
Hiện nay (8/2/2019), tất cả các loại cá và hải sản được xuất cảng đã được xác định về tính an toàn. Trước khi xảy ra trận động đất đó, thông thường 1 tuần 5 ngày ngư dân ra biển nhưng hiện nay tần suất ít hơn, 1 tuần khoảng 2, 3 ngày họ đánh bắt cá, qua đó nhằm phát triển trở lại một cách chính thức nghề cá ở Fukushima.
2:00 sáng. Giờ xuất cảng. Trong âm thanh vang rền của tiếng máy nổ, từng chiếc tàu đánh cá bắt đầu ra khơi.
Trong ảnh là chiếc thuyền đánh cá bằng lưới rà (※2). Chiếc thuyền sẽ ra ngư trường nằm cách 20~60km, sau vài giờ đánh bắt cá sẽ quay trở về….Đây là công việc trên biển chiếm tổng thời gian hơn 8 tiếng mỗi ngày.
※2: đánh bắt cá bằng lưới rà……Họ sẽ tung lưới xuống đáy biển, sau đó kéo lên để bắt cá, hải sản.
Sản lượng đánh bắt của cả gia đình
10:30 sáng. Tại cảng cá Matsukawaura (khu vực Haragama), các bạn có thể thấy hình ảnh của những người phụ nữ đang đợi đoàn thuyền đánh cá quay trở về.
Ở Soma, sau khi những người chồng đi đánh cá trở về, những người vợ sẽ tiếp quản các công việc tiếp theo. Đánh bắt cá là công việc chung mà cả gia đình cùng làm.
Họ sẽ cẩn thận lấy cá vừa được đánh bắt ra để không làm ảnh hưởng đến độ tươi ngon của cá, sau đó cá sẽ được vận chuyển đến chợ.
Cá và hải sản sẽ được phân chia kích cỡ theo từng loại, được lựa chọn và phân loại ngăn nắp.
Cũng có chợ người ta sẽ để nguyên cá như thế trên sàn, nhưng ở nhiều nơi ví dụ như ở cảng cá Matsukawaura (khu vực Haragama) thì cá được cho vào giỏ để đảm bảo vấn đề vệ sinh thực phẩm.
Cuộc đấu giá sôi nổi
Khu chợ đang yên tĩnh bỗng nhiên bắt đầu trở nên nhộn nhịp.
Những người môi giới hay những người hoạt động trong ngành ăn uống tập trung lại để chuẩn bị đấu giá cá và hải sản.
Người môi giới khi tìm thấy loại cá mà họ muốn tìm, họ sẽ lật ngược lại tấm thẻ có ghi giá mà họ mong muốn, sau đó cho vào giỏ đựng.
Khi có hiệu lệnh kiểm phiếu, tấm thẻ có ghi giá tiền sẽ được lật lại mặt trước, người có mức giá cao nhất sẽ được quyền mua. Những loại cá và hải sản được nhiều người yêu thích sẽ có rất nhiều tấm thẻ giá!
Đánh bắt, phân loại, đấu thầu. Chuỗi công đoạn đó được diễn ra rất nhanh chóng trong thời gian ngắn, vì vậy độ tươi của cá vẫn đảm bảo nguyên vẹn và chỉ trong buổi sáng là phần lớn các công đoạn sẽ kết thúc.
Sau đó cá sẽ được chuyển cho người môi giới, qua các siêu thị, cửa hàng bán lẻ,...để đến tay người tiêu dùng.
Sự kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo tính an toàn
Tại cảng cá Matsukawaura (khu vực Haragama) có thêm 1 công đoạn nữa khác với các cảng cá ở các tỉnh khác. Đó chính là kiểm tra sàng lọc.
Tại các chợ cá ở tỉnh Fukushima, tất cả các loại cá và hải sản được đánh bắt vào ngày hôm đó sẽ được tiến hành kiểm tra sàng lọc để đảm bảo tính an toàn.
Từ sau năm 2012 là năm bắt đầu thực hiện thử nghiệm đánh bắt cá, toàn bộ kết quả kiểm tra đều được công bố trên trang chủ của hiệp hội nghề cá tỉnh Fukushima.
Nơi tiến hành kiểm tra là toà nhà tiếp giáp với chợ. Hình ảnh kiểm tra được công khai qua lớp kính.
Người ta sẽ băm nhỏ cá và hải sản là mẫu vật được mang đi kiểm tra tại phòng xử lý ngay trước mặt, sau đó sẽ tiến hành kiểm tra bằng thiết bị kiểm tra trong phòng ở góc trong cùng.
Hiện nay, chỉ số tiêu chuẩn về an toàn của các thực phẩm thông thường theo quy định của Nhật Bản là cesium có tính phóng xạ “dưới 100 becquerel cho 1kg”.
Đây là chỉ số rất nghiêm ngặt ngay cả nếu so với EU (1,250 becquerel/kg) hay Mỹ )1,200 becquerel/kg).
Hiệp hội nghề cá tỉnh Fukushima có chỉ số riêng nghiêm ngặt hơn nữa là 50 becquerel/kg, trong trường hợp vượt qua chỉ số đó thì cá và hải sản sẽ ngay lập tức không được xuất cảng.
Khu vực | Chỉ số tiêu chuẩn về cesium có tính phóng xạ trong thực phẩm thông thường |
EU | 1,250 becquerel/kg |
Mỹ | 1,200 becquerel/kg |
Nhật Bản | 100 becquerel/kg |
Tỉnh Fukushima | 50 becquerel/kg |
Tại tỉnh Fukushima, trong trường hợp cá và hải sản đánh bắt có chỉ số vượt quá 25 becquerel/kg thì sẽ được kiểm tra sát sao một lần nữa.
Kết quả kiểm tra trên thực tế không có cesium có tính phóng xạ ở hơn 99% vật mẫu, tuy nhiên sản lượng đánh bắt vẫn giảm rất nhiều so với trước khi xảy ra trận động đất. Ở đây vẫn có bức tường khá lớn để phát triển trở lại nghề đánh bắt cá một cách chính thức.
Cuộc chiến với những thiệt hại do tin đồn gây ra
“Khi cá và hải sản được đánh bắt đều đặn mà gặp phải một thông tin nào đó là tất cả đều bị phá vỡ. Sự việc đó cứ lặp đi lặp lại”. Đó là câu chuyện của ông Takahashi Tooru, một ngư dân đánh bắt cá bằng tàu có lưới rà tại cảng cá Matsukawaura (khu vực Haragama).
“Ngay cả khi loại cá và hải sản đánh bắt được tăng lên, sản lượng đang dần được khôi phục, chỉ cần 1 tin tức liên quan đến chất phóng xạ hay nước bị ô nhiễm là mọi thứ lại trở lại từ đầu.
Sự cố đó xảy ra đã hơn 7 năm rồi nhưng hiện nay vẫn tiếp tục bị thiệt hại bởi tin đồn”.
Ông Takahashi hiện đang là trưởng nhóm tại cảng cá Matsukawaura (khu vực Haragama). Ông sinh ra tại thành phố Soma, từ năm 15 tuổi ông đã tham gia vào nghề cá. Ông đã đánh bắt cá ở đây đến gần 50 năm. Ông đã thấm với nỗi buồn đó.
“Nếu đánh bắt cùng một loại cá và hải sản từ các cảng cá khác thì sẽ bị so sánh. Nếu đánh bắt cùng loại cá và hải sản tại cảng cá khác ở Nhật Bản, người ta sẽ chọn cá ở nơi khác mà không phải là Fukushima.
Cho dù có thể hiện tính an toàn bằng con số nào đi chăng nữa thì có nhiều lúc người ta cũng không ăn chỉ vì đó là “Fukushima”".
“Tất cả mọi người đều nói đến sự phục hồi, khôi phục nhưng việc mà chúng tôi đang làm là giai đoạn trước đó. Đó là “sự tái sinh”. Nếu cứ tiếp tục như thế này thì nghề cá ở Soma có thể sẽ phải kết thúc. Ở đây có sự nóng vội và thiếu kiên nhẫn”.
Kết nối cá và hải sản ngon với tương lai
“Tuy nhiên hiện nay không phải chỉ có mỗi nỗi buồn. So với trước khi xảy ra động đất thì lượng cá đánh bắt được gần gấp đôi, đó cũng là một cơ hội”.
Ông Takahashi đã suy nghĩ tích cực, nhìn về phía trước.
Cùng với việc đảm bảo tính an toàn, loại cá và hải sản đánh bắt có thể xuất cảng tăng lên thì lần đầu tiên sau khi bắt đầu đánh bắt trở lại vào năm 2012 có 3 loại cá được xuất cảng, hiện nay phần lớn các loại cá và hải sản đều có thể xuất cảng.
Ở Soma, sau trận động đất xảy ra, sản lượng đánh bắt đã có lúc xuống còn 160 tấn đã được khôi phục lại đến 3,000 tấn (năm 2017). Mức giá thu mua cá cũng đang tiến dần đến giá trị so với lúc trước khi trận động đất xảy ra.
Tàu cá của ông Takahashi “Myojinmaru”
Tại cảng cá Matsukawaura (khu vực Haragama) hiện nay đã có đoàn tàu cá xếp dài như trước kia. Trong số đó cũng có cả “Myojinmaru” - tàu cá của ông Takahashi.
Trận động đất gây ra sóng thần năm 2011 đã cướp đi tàu cá của ông Takahashi lúc đó. Con tàu Myojinmaru hiện nay đã được đóng mới lại dưới sự hỗ trợ của chính phủ.
Con tàu Myojinmaru hiện nay được giao lại cho 2 con trai ông.
Từ trái sang là con thứ Hirotaka, ông Takahashi, con trưởng Takumi
Năm 2017, ông Takahashi đã rút lui khỏi nghề cá mà ông đã làm trong suốt khoảng 50 năm.
“Cần phải xây dựng lối đi cho thế hệ trẻ”.
Đó cũng là ý thức về sự kế thừa liên tục để bảo vệ biển Soma không chỉ bằng riêng bản thân mà cùng với các thế hệ tiếp theo.
Đó là ông Takahashi cùng với các con trai, và những ngư dân của Soma và Fukushima. Mỗi người đều luôn quyết tâm và nỗ lực, hướng về biển. Một thế hệ mới đang bắt đầu hướng đến các loài cá và hải sản ở Soma trước kia và hoạt động khai thác, đánh bắt cá như bình thường.
Nếu ăn 1 lần sẽ không thể quên
Trước tiên các bạn phải ăn thử. Các bạn chỉ ăn 1 lần sẽ thấy được độ tươi ngon của hải sản.
Trưởng hiệp hội nghề cá Soma Futaba - ông Tachiya Kanji - cho biết “cá ở Soma có độ bóng, dày thịt, chất lượng cao. Đây cũng là thương hiệu còn được biết đến là “sản vật của Jouban””.
Cá ở Soma vốn có chất lượng cao, được biết đến rộng khắp cả nước.
Ông nói rằng, cá ở đây còn được bày ở nơi tốt nhất khu chợ Tsukiji. Hương vị không cần phải bàn cải. Tính an toàn cũng đảm bảo. Chỉ còn là vấn đề an tâm khi ăn mà thôi.
Ông Tachiya quả quyết “độ ngon của cá và hải sản ở Soma khi được trải nghiệm 1 lần sẽ không thể nào quên”.
Thưởng thức cá Soma!
Cửa tiệm có thể thưởng thức cá Soma có 1 vài nơi gần cảng cá Matsukawaura (khu vực Haragama). Như tôi đã nói lúc đầu thì “Asahitei” cũng là 1 sự lựa chọn.
Cũng có nhiều vị khách từ xa không thể quên được độ ngon đó nên đã đến đây rất nhiều lần.
Các bạn hãy thử 1 lần thưởng thức “sản vật của Jouban” với độ ngon cao nhất do các ngư dân mang đến.
All pictures by Shiho Kito
In cooperation with Hiệp hội nghề cá Soma Futaba, ông Takahashi Tooru, Asahitei
Sponsored by Bộ kinh tế công thương
Bài viết liên quan
MATCHAの企業・自治体広告に関するプロモーションアカウントです。読者のみなさまに有益な情報を、楽しくお届けします。